Tóm tắt nội dung [Ẩn]
- Điều 62. Các hình thức tổ chức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm
- Điều 63. Nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam
- 1. Nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bao gồm:
- 2. Nội dung hoạt động của doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài bao gồm:
- 3. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chỉ được phép kinh doanh một loại hình bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này, trừ các trường hợp sau đây:
- Điều 64. Điều kiện chung cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm
- Điều 65. Điều kiện của thành viên góp vốn thành lập của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn
- 1. Điều kiện đối với tổ chức thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài:
- 2. Điều kiện đối với tổ chức kinh tế thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam: có tổng tài sản không thấp hơn 2.000 tỷ Đồng Việt Nam vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép;
- 3. Căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều này, Chính phủ quy định cụ thể mức tổng tài sản tối thiểu phù hợp với từng thời kỳ.
- Điều 66. Điều kiện về cơ cấu cổ đông góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm dưới hình thức công ty cổ phần
- Điều 67. Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam
- 1. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài khi thành lập chi nhánh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- 2. Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài dự kiến thành lập và hoạt động tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- 3. Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam sau khi được cấp giấy phép thành lập và hoạt động được phép hoạt động như doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật này.
- Điều 68. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài
- Điều 69. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động
- Điều 70. Thời hạn cấp giấy phép thành lập và hoạt động
- Điều 71. Thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ nội dung hoạt động
- Điều 72. Công bố nội dung giấy phép thành lập và hoạt động
- Điều 73. Điều kiện trước khi chính thức hoạt động
- Điều 74. Những thay đổi phải được chấp thuận hoặc phải thông báo
- 1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thay đổi một trong các nội dung sau đây:
- 2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Bộ Tài chính chấp thuận việc thay đổi theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố các nội dung thay đổi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
- 3. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải thông báo cho Bộ Tài chính bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có những thay đổi sau đây:
- 4. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận các thay đổi quy định tại khoản 1 và hồ sơ, trình tự, thủ tục ghi nhận các thay đổi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.
- Điều 75. Thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động
- Điều 76. Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam
- Điều 77. Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt, thu hồi giấy phép đặt văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam
Điều 62. Các hình thức tổ chức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm
1. Công ty cổ phần.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn.
Điều 63. Nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam
1. Nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bao gồm:
a) Kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm;
b) Quản lý các quỹ và đầu tư vốn từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm;
c) Cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm;
d) Hoạt động khác liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
2. Nội dung hoạt động của doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài bao gồm:
a) Kinh doanh tái bảo hiểm; nhượng tái bảo hiểm;
b) Quản lý các quỹ và đầu tư vốn từ hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm;
c) Hoạt động khác liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm.
3. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chỉ được phép kinh doanh một loại hình bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này, trừ các trường hợp sau đây:
a) Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ kinh doanh bảo hiểm sức khỏe;
b) Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài kinh doanh các sản phẩm thuộc loại hình bảo hiểm sức khỏe có thời hạn từ 01 năm trở xuống và các sản phẩm bảo hiểm cho rủi ro tử vong có thời hạn từ 01 năm trở xuống;
c) Doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm cho rủi ro tử vong có thời hạn từ 01 năm trở xuống.
Điều 64. Điều kiện chung cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm
1. Điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn thành lập:
a) Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
b) Tổ chức có tư cách pháp nhân, đang hoạt động hợp pháp; trường hợp tham gia góp từ 10% vốn điều lệ trở lên thì phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng các điều kiện về tài chính theo quy định của Chính phủ;
c) Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm mới phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Luật này.
2. Điều kiện về vốn:
a) Vốn điều lệ được góp bằng Đồng Việt Nam và không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ;
b) Cổ đông, thành viên góp vốn thành lập không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn.
3. Điều kiện về nhân sự:
có Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán dự kiến đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực quản lý, kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ quy định tại Điều 81 của Luật này.
4. Có hình thức tổ chức hoạt động theo quy định của Luật này và có dự thảo điều lệ phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.
Điều 65. Điều kiện của thành viên góp vốn thành lập của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn
Thành viên góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn phải là tổ chức, đáp ứng điều kiện chung quy định tại Điều 64 của Luật này và các điều kiện sau đây:
1. Điều kiện đối với tổ chức thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài:
a) Là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài;
b) Được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài không vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm của nước nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép;
c) Lĩnh vực dự kiến đề nghị cấp giấy phép thực hiện tại Việt Nam là lĩnh vực mà doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài đang trực tiếp thực hiện hoặc có công ty con thực hiện tối thiểu trong 07 năm liên tục gần nhất;
d) Có tổng tài sản không thấp hơn 02 tỷ Đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động;
đ) Cam kết hỗ trợ về tài chính, công nghệ, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, điều hành, hoạt động cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm dự kiến thành lập tại Việt Nam; bảo đảm doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm này thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn tài chính, quản trị rủi ro theo quy định của Luật này;
e) Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản này có thể ủy quyền cho công ty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài để thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm tại Việt Nam. Công ty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm d khoản này;
2. Điều kiện đối với tổ chức kinh tế thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam: có tổng tài sản không thấp hơn 2.000 tỷ Đồng Việt Nam vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép;
3. Căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều này, Chính phủ quy định cụ thể mức tổng tài sản tối thiểu phù hợp với từng thời kỳ.
Điều 66. Điều kiện về cơ cấu cổ đông góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm dưới hình thức công ty cổ phần
Việc thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm dưới hình thức công ty cổ phần phải đáp ứng điều kiện chung quy định tại Điều 64 của Luật này và các điều kiện sau đây:
1. Có tối thiểu 02 cổ đông là tổ chức và mỗi cổ đông đó đáp ứng điều kiện sau đây:
a) Phải góp từ 10% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm;
b) Điều kiện quy định tại Điều 65 của Luật này;
2. Một cổ đông cá nhân không được góp vượt quá 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Điều 67. Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam
1. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài khi thành lập chi nhánh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có trụ sở chính tại quốc gia mà Việt Nam và quốc gia đó đã ký kết các điều ước quốc tế, trong đó có thỏa thuận về thành lập chi nhánh tại Việt Nam; cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính đã ký kết thỏa thuận quốc tế với Bộ Tài chính Việt Nam về quản lý, giám sát hoạt động của chi nhánh;
b) Được cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính cho phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam để hoạt động trong phạm vi các nghiệp vụ bảo hiểm mà doanh nghiệp được phép kinh doanh;
c) Có ít nhất 07 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dự kiến đề nghị cấp giấy phép thực hiện tại Việt Nam;
d) Có tổng tài sản tối thiểu đáp ứng điều kiện quy định tại điểm d khoản 1 và khoản 3 Điều 65 của Luật này;
đ) Hoạt động kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ và đáp ứng các điều kiện về tài chính theo quy định của Chính phủ;
e) Cam kết bảo đảm và chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.
2. Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài dự kiến thành lập và hoạt động tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có vốn được cấp bằng Đồng Việt Nam và không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ;
b) Nguồn vốn thành lập chi nhánh là nguồn hợp pháp, không sử dụng vốn vay hoặc nguồn vốn ủy thác đầu tư dưới bất kỳ hình thức nào;
c) Có Giám đốc chi nhánh, Chuyên gia tính toán dự kiến đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực quản lý, kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ quy định tại Điều 81 của Luật này.
3. Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam sau khi được cấp giấy phép thành lập và hoạt động được phép hoạt động như doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật này.
Điều 68. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài
Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Điều 69. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động bao gồm:
1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động;
2. Dự thảo điều lệ đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động đối với chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;
3. Phương án hoạt động 05 năm đầu, trong đó nêu rõ các nghiệp vụ bảo hiểm dự kiến triển khai, mô hình quản trị rủi ro, phương thức trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;
4. Sơ yếu lý lịch, Phiếu lý lịch tư pháp, bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán;
5. Mức vốn góp và phương thức góp vốn, danh sách những tổ chức, cá nhân sáng lập hoặc thành viên, cổ đông dự kiến góp từ 10% số vốn điều lệ trở lên và các tài liệu chứng minh việc đáp ứng điều kiện tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam quy định tại các điều 64, 65, 66 và 67 của Luật này của các tổ chức, cá nhân đó;
6. Danh sách các chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm. Chính phủ quy định tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Điều 70. Thời hạn cấp giấy phép thành lập và hoạt động
1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Trường hợp từ chối cấp giấy phép thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
2. Trường hợp cấp giấy phép thành lập và hoạt động, Bộ Tài chính đồng thời có văn bản chấp thuận về nguyên tắc đối với người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Chuyên gia tính toán.
Điều 71. Thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ nội dung hoạt động
1. Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Bộ Tài chính có thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Sau khi cấp, sửa đổi, bổ sung hoặc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, Bộ Tài chính có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đặt trụ sở chính để cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
4. Chính phủ quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 72. Công bố nội dung giấy phép thành lập và hoạt động
1. Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố các nội dung của giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp giấy phép.
2. Ít nhất 30 ngày trước ngày chính thức hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động phải công bố các nội dung của giấy phép và ngày dự kiến chính thức hoạt động trên 01 tờ báo in trong 03 số liên tiếp hoặc trên báo điện tử của Việt Nam.
Điều 73. Điều kiện trước khi chính thức hoạt động
1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải chính thức hoạt động trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Đối với trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải báo cáo bằng văn bản và được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản về việc gia hạn thời gian chính thức hoạt động; thời gian gia hạn tối đa là 12 tháng.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải đáp ứng các quy định sau đây để chính thức hoạt động:
a) Chuyển số vốn gửi tại tài khoản phong tỏa thành vốn điều lệ hoặc vốn được cấp;
b) Xây dựng cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với hình thức hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; bầu, bổ nhiệm người đại diện theo pháp luật; bầu, bổ nhiệm các chức danh đã được Bộ Tài chính chấp thuận về nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 70 của Luật này;
c) Ban hành các quy chế quản lý nội bộ về tổ chức hoạt động, quy chế nội bộ về quản trị rủi ro và các quy trình nghiệp vụ cơ bản theo quy định pháp luật;
d) Ký quỹ đầy đủ theo quy định của Luật này tại ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam;
đ) Có trụ sở, cơ sở vật chất, kỹ thuật, hệ thống công nghệ phù hợp với quy trình nghiệp vụ về kinh doanh bảo hiểm;
e) Thực hiện công bố nội dung giấy phép thành lập và hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật này.
3. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải thông báo cho Bộ Tài chính về việc đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều này ít nhất 15 ngày trước ngày chính thức hoạt động. Bộ Tài chính có quyền đình chỉ việc chính thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khi chưa đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm trước ngày chính thức hoạt động.
Điều 74. Những thay đổi phải được chấp thuận hoặc phải thông báo
1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thay đổi một trong các nội dung sau đây:
a) Tên, địa điểm đặt trụ sở chính;
b) Mức vốn điều lệ; vốn được cấp;
c) Nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động;
d) Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp dẫn đến có cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên hoặc giảm xuống dưới 10% vốn điều lệ;
đ) Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Chuyên gia tính toán;
e) Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp;
g) Đầu tư ra nước ngoài, bao gồm việc mở chi nhánh, văn phòng đại diện và các hình thức hiện diện thương mại khác tại nước ngoài.
2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Bộ Tài chính chấp thuận việc thay đổi theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố các nội dung thay đổi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
3. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải thông báo cho Bộ Tài chính bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có những thay đổi sau đây:
a) Thay đổi điều lệ hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, quy chế tổ chức và hoạt động của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;
b) Mở, chấm dứt, thay đổi địa điểm chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm;
c) Mở, chấm dứt, thay đổi địa điểm kinh doanh;
d) Thay đổi các chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
4. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận các thay đổi quy định tại khoản 1 và hồ sơ, trình tự, thủ tục ghi nhận các thay đổi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.
Điều 75. Thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động
1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:
a) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động có thông tin gian lận để có đủ điều kiện được cấp giấy phép;
b) Quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 73 của Luật này mà không bắt đầu chính thức hoạt động;
c) Bị chia, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chấm dứt hoạt động;
d) Hoạt động không đúng với nội dung tại giấy phép thành lập và hoạt động;
đ) Sau khi Tòa án quyết định tuyên bố doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phá sản;
e) Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bị phá sản hoặc bị thu hồi giấy phép.
2. Đối với các trường hợp bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động quy định tại các điểm a, c, d và e khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải dừng ngay việc giao kết hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng tái bảo hiểm mới; doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải thực hiện chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm; việc chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm không áp dụng đối với các hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Luật này.
3. Quyết định thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam được Bộ Tài chính công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
Điều 76. Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam
1. Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài được đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài và không được thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam.
2. Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện các hoạt động sau đây:
a) Làm chức năng văn phòng liên lạc;
b) Nghiên cứu thị trường;
c) Xúc tiến xây dựng các dự án đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam;
d) Thúc đẩy và theo dõi việc thực hiện các dự án do doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài tài trợ tại Việt Nam;
đ) Hoạt động khác phù hợp với pháp luật Việt Nam.
3. Thời hạn hoạt động của văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam không quá 05 năm và có thể được gia hạn.
4. Báo cáo hoạt động, thông báo thay đổi và công bố thông tin của văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều 77. Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt, thu hồi giấy phép đặt văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam
1. Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài khi đặt văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Hoạt động tối thiểu trong 05 năm gần nhất;
b) Được cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi đặt trụ sở chính cho phép đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.
2. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt, thu hồi giấy phép đặt văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
3. Bộ Tài chính có thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép đặt văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam, chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam.