Tóm tắt nội dung [Ẩn]
Điều 84. Kiểm soát nội bộ
1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện kiểm soát nội bộ để bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Hiệu quả, an toàn trong hoạt động và trong bảo vệ, quản lý, sử dụng tài sản, các nguồn lực;
b) Trung thực, hợp lý, đầy đủ, kịp thời trong hệ thống thông tin tài chính và thông tin quản lý;
c) Tuân thủ pháp luật, các quy chế, quy trình, quy định nội bộ.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải thiết lập các tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục kiểm soát nội bộ; bảo đảm người quản lý, người kiểm soát, người lao động hiểu rõ và nghiêm túc thực hiện.
3. Hoạt động kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải được kiểm toán nội bộ đánh giá định kỳ hằng năm.
4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết Điều này.
Điều 85. Kiểm toán nội bộ
1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ. Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có thể thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ hoặc sử dụng bộ phận kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài.
2. Định kỳ hằng năm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện kiểm toán nội bộ theo các nội dung sau đây:
a) Rà soát, đánh giá độc lập, khách quan đối với hoạt động kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro;
b) Đánh giá độc lập về tính thích hợp và sự tuân thủ quy định, chính sách nội bộ, thủ tục, quy trình đã được thiết lập trong doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;
c) Đưa ra kiến nghị sửa chữa, khắc phục sai sót, đề xuất biện pháp nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của các hệ thống, quy trình, quy định, góp phần bảo đảm doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.
3. Kết quả kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải được báo cáo kịp thời cho Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và gửi Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp.
Kết quả kiểm toán nội bộ của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải được báo cáo kịp thời cho doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài và gửi Giám đốc của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.
4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết Điều này.
Điều 86. Quản trị rủi ro
1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản trị rủi ro nhằm xác định, đo lường, đánh giá, báo cáo và kiểm soát một cách hiệu quả các rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
2. Quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Có khả năng xác định và lượng hóa rủi ro phù hợp với tính chất, phạm vi và mức độ phức tạp của các rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh, các tác động đến vốn, an toàn hoạt động và an toàn tài chính;
b) Quy định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân trong hoạt động quản trị rủi ro và cơ cấu quản trị rủi ro;
c) Có chính sách quản trị rủi ro rõ ràng, minh bạch, trong đó xác định rõ các loại rủi ro trọng yếu và các rủi ro có liên quan phát sinh từ hoạt động kinh doanh, khẩu vị rủi ro và cách thức quản lý đối với từng loại rủi ro. Chính sách quản trị rủi ro phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm hoặc được doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam thông qua;
d) Thiết lập đầy đủ các giới hạn chấp nhận rủi ro đối với từng loại rủi ro trọng yếu và các rủi ro có liên quan, mối tương quan giữa các rủi ro đó. Các giới hạn chấp nhận rủi ro phải phù hợp với chính sách quản trị rủi ro, chiến lược kinh doanh, nguồn nhân lực, điều kiện công nghệ thông tin;
đ) Thiết lập đầy đủ các quy trình quản trị rủi ro, trong đó có quy trình giám sát, tiếp nhận và phản hồi kịp thời bất kỳ thay đổi rủi ro nào.
3. Định kỳ hằng năm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và quản trị rủi ro, trong đó đánh giá mức độ đầy đủ của quản trị rủi ro, khả năng thanh toán hiện tại và dự kiến trong tương lai với khung thời gian thống nhất với kế hoạch kinh doanh; xác định tổng thể các nguồn lực tài chính cần có để quản lý hoạt động kinh doanh trong khả năng chấp nhận rủi ro và các kế hoạch kinh doanh; kiểm tra sức chịu đựng và phân tích khả năng tiếp tục hoạt động.
4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết Điều này.